Dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe con người vì mỗi ngày, cơ thể đều cần dinh dưỡng để duy trì sự sống và hoạt động. Đặc biệt với người cao tuổi, dinh dưỡng càng cần được chú trọng, do những đặc thù về thể chất và sức khỏe.
Từ lâu, vai trò của ăn uống không chỉ là nhu cầu thiết yếu hằng ngày mà còn được xem là một cách để điều trị bệnh. Hypocrate đã viết “Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng”. Ở Việt Nam, cuốn “Nam dược thần hiệu” của cụ Tuệ Tĩnh có nghiên cứu về 586 vị thuốc nam thì trong đó có gần một nửa gồm 246 loại là thức ăn và gần 50 lọai có thể dùng làm đồ uống.
Có thể thấy dù trong nền văn hóa nào, y học đều đi tìm kiếm sự cân bằng. Nếu nền y học phương Tây khẳng định tình trạng sức khỏe là sự cân bằng thể dịch thì nền y học phương Đông nói tới sự cân bằng âm dương là điều kiện giúp con người được khỏe mạnh. Tất cả nền tảng của sự cân bằng đó đều dựa vào bữa ăn.
ĐẶC THÙ SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI CAO TUỔI
Bản thân lão hóa không phải là một bệnh, nhưng khi thời gian trôi qua, cơ thể giảm khả năng và hiệu lực các quá trình chuyển hóa, tạo điều kiện phát sinh và phát triển bệnh tật. Thực trạng của một cơ thể già không phải là sự cộng lại máy móc, giản đơn của các biến đổi nói trên mà kết hợp với cơ chế thích nghi mới, đảm bảo tính ổn định nội môi với một thế cân bằng, nhịp độ mới.
Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi. Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh, chủ yếu là các bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, tăng huyết áp, các vấn đề cơ xương khớp. Hiện nay, truyền thông phát triển, số lượng người cao tuổi nhận biết các vấn đề của họ và tới các cơ sở y tế để khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe cũng ngày một tăng lên, tuy vậy mới chiếm một phần nhỏ trong số NCT. Do đó, chăm sóc tại nhà, đặc biệt là về dinh dưỡng, cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, để có nhiều hơn NCT tiếp cận và tự nâng cao sức khỏe của bản thân.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Với người cao tuổi, dinh dưỡng giúp phòng và điều trị bệnh, đặc biệt ở những người có rối loạn chuyển hóa. Trong đông y, người già thể trạng thường khí huyết lưỡng hư, âm dương mất cân bằng, dinh dưỡng sai càng làm sự cân bằng bị xáo trộn, bệnh tật từ đó mà phát ra, rồi trở nặng. Do đó, xây dựng một chế độ ăn hợp lý từ đầu sẽ hỗ trợ được rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe, phòng và trị bệnh.
NCT cần đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể, nhu cầu dinh dưỡng bao gồm Protein, Glucid, Lipid, Rau và chất xơ, Vitamin, và khoáng chất, nước. Trong đó:
- Glucid: 9-12 g/kg/ngày
- Protid: 1,1-1,3 g/kg/ngày
- Lipid: 3-6 g/kg/ngày
- Rau và chất xơ: 25-30 g/kg/ngày
- Nước: với người trên 55 tuổi: 30 ml/kg tương đương với 1.800ml với thể trạng 60kg.
Chế độ ăn cũng nên cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật. Cần chú ý rằng tỷ lệ đạm động vật/thực vật ở người cao tuổi là 1/2, do đó nên thay thế các loại đạm động vật có lượng mỡ cao bằng đạm thực vật : đậu phụ, tương, các loại đậu, sữa chua…
Thay thế các loại gạo trắng, tinh bột hấp thụ nhanh (bột mì, bột nếp…) bằng gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt có vỏ nguyên cám vừa giảm được lượng đường hấp thu vào máu, đồng thời cung cấp các vi khoáng như Sắt, kẽm và Vitamin nhóm B cần thiết cho quá trình chuyển hóa.
Đồng thời, NCT cần ưu tiên thực phẩm như các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau màu xanh đậm, màu đỏ, vàng. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, Vitamin D giúp xương chắc khỏe, phòng tránh tình trạng loãng xương ở người cao tuổi. Chất xơ từ rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.
NHỮNG THỰC PHẨM CẦN HẠN CHẾ TIÊU THỤ
Với NCT khỏe mạnh, nên hạn chế muối ăn dưới 6g mỗi ngày. Những NCT mắc các bệnh tăng huyết áp, suy thận… cần hạn chế thấp hơn, từ 2-4g/ ngày. Trong đó, sử dụng ít các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm muối chua, lên men do có lượng muối cao. Các món ăn được chế biến nhiều dầu mỡ cũng nên sử dụng có mức độ, đặc biệt không nên chiên đi chiên lại đồ ăn nhiều lần.
“ĐI CHỢ” CHO NGƯỜI CAO TUỔI
NCT nên chọn ăn gạo lứt ( do ít làm tăng đường huyết so với gạo thường, chưa qua tinh chế nên vẫn giữ được lớp cám giúp cung cấp vitamin, ngoài ra gạo lứt chứa nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa bệnh lý đường ruột…). Khoai lang, các loại đậu giàu chất xơ cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Chất béo không no có trong mỡ các loại cá biển, dầu ôliu, dầu gạo lứt, dầu hướng dương…có lợi cho sức khỏe, đặc biệt có Omega 3-6-9 tốt cho tim mạch.
Chất xơ trong chế độ ăn, nhất là chất xơ hòa tan có trong các loại củ, đậu, trái cây giúp làm giảm hấp thu cholesterol và điều hòa đường huyết; trong khi chất xơ không hòa tan có trong rau, ngũ cốc nguyên vỏ, trái cây…giúp làm tăng khối lượng phân và chống táo bón.
Kết lại, lựa chọn thực phẩm đúng và đủ cho NCT không chỉ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để NCT có thể đảm bảo sức khỏe, mà còn phòng tránh và làm giảm nguy cơ mắc bệnh, tạo ra một cuộc sống lành mạnh, giàu ý nghĩa.